Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (1)


Phạm Hồng Sơn


Nhà báo Đoan Trang

Trong cuộc tuần hành vì cây xanh sáng Chủ nhật 12/4 vừa qua tại Hà Nội có một sự kiện rất đáng chú ý và đã gây tranh cãi. Đó là sự xuất hiện của một nhóm 4, 5 thanh niên nam trẻ với tên gọi nhóm “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” (tên này tạm gọi, chưa chắc đã đúng) trên không gian mạng. 

Căn cứ vào những hình ảnh và phản ánh quan trọng đã có trên mạng, nhóm “Quân lực VNCH” hôm đó là những người tuần hành ôn hòa, có phần hơi nghiêm nghị, và như những người tuần hành ôn hòa khác họ cũng bày tỏ một thông điệp rõ ràng với những khẩu hiệu trên tay vì cây xanh. Điểm khác biệt quan trọng nhất của họ đối với những người khác là họ cùng mặc áo thun đen với logo trên ngực trái hình chim ưng (ó) cách điệu khá nhỏ màu vàng và sau lưng là hai dòng chữ tiếng Anh có nghĩa: “Nhân dân không nên sợ hãi chính quyền”, “Chính quyền cần phải sợ nhân dân. Nhưng gần như ngay tức khắc đã có những ý kiến bày tỏ “không liên quan”, phản đối sự tham dự của nhóm “Quân lực VNCH”, điển hình là bài viết của nhà báo Đoan Trang.

Đọc kỹ bài viết của nhà báo, nhà hoạt động Đoan Trang tôi thấy luận điểm chính của bài viết (không hoan nghênh nhóm “Quân lực VNCH”) không được đặt trên những cơ sở về pháp luật, về tinh thần dân chủ đa nguyên và cả về công tác tổ chức.

Nhà báo Đoan Trang viết: “Các bạn “Quân lực VNCH” nên ghi nhận là công an đã không bắt các bạn ngay trong lúc tuần hành...” Thật nguy hiểm cho tinh thần pháp luật và an ninh của đời sống con người, nếu một công dân không hề có hành vi (thái độ và hành động) vi phạm pháp luật lại phải ghi nhận, chắc nhà báo Đoan Trang viết với ý phải cảm ơn (như phiên bản ban đầu), rằng mình đã không bị nhà chức trách bắt giữ. Phải chăng vì quá chú tâm tới sự kiện cây xanh hay hoạt động của mình, nhà báo Đoan Trang đã quên mất những nhân quyền cơ bản (của người khác)?

Về phương diện tổ chức, kể cả là có tổ chức thật bài bản và qui củ, khi nhà tổ chức chưa đưa ra qui định hay khuyến cáo về trang phục, thông điệp thì không thể trách cứ người tham gia về những vấn đề đó, ngoại trừ các vấn đề gần như đã được đồng thuận phải tránh như kích động bạo lực, bạo lực, bất nhã. Nhưng kể cả trong trường hợp nhà tổ chức muốn qui định thì cũng không thể kiểm soát được tính đa dạng vô biên trong cách bày tỏ của con người.

Nhà báo Đoan Trang khuyến cáo: “...các bạn có thể tự tổ chức một sự kiện khác cho riêng các bạn, vào thời gian, địa điểm khác, với nhân sự khác, và không góp mặt trong sự kiện mà tại đó bạn không được đón nhận.” Câu này cho tôi một cảm nhận dường như nhiều người trong chúng ta chưa nhận thấy không gian bày tỏ trên đất nước chúng ta đã quá chật hẹp suốt hơn nửa thế kỷ qua vì một thể chế chính trị lạc hậu nên đôi khi lại vô tình chặn bớt không gian bày tỏ của người khác. Một không gian công cộng, trừ trường hợp có qui định đặc biệt, vẫn là một không gian công cộng dù là nơi đang xảy ra tuần hành hay biểu tình. Chúng ta có thể độc quyền về thông điệp tuần hành nhưng không nên và không thể độc quyền về không gian bày tỏ công cộng và quyền bày tỏ, trừ khi chúng ta nắm quyền lực độc tài.

Nhà báo Đoan Trang cho rằng nhà chức trách “có thể lấy cớ cờ 'vàng xuất hiện'” để dẹp tuần hành, theo tôi đây là một suy diễn không vững và không thực tế. Theo tôi, nếu cần dẹp bất kỳ cuộc tuần hành nào, nhà chức trách hiện nay không nhất thiết phải dựa vào những lý do như thế. Chúng ta chẳng phải đã chứng kiến nhiều lần cả “cờ đỏ” lẫn “Bác Hồ” đều bị lực lượng chức năng quăng xuống đất để dồn phá người biểu tình? Hơn nữa, nếu điều đó xảy ra lỗi vẫn hoàn toàn thuộc về một chính quyền chưa biết tôn trọng quyền dân. Và tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại, đó chính là cơ hội giúp khơi lên một dư luận quan tâm tới tinh thần pháp luật và tinh thần hòa giải dân tộc và hóa giải xung đột giữa hai chế độ Việt Nam (Cộng sản và Cộng hòa)?

Cuối bài viết nhà báo Đoan Trang cho rằng những bạn trẻ “Quân lực VNCH” "đã đi quá xa" [sic] rất có thể làm ảnh hưởng không tốt hoặc gây nguy hại tới những người có “tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội”. Nhưng tôi lại nghĩ hoàn toàn khác.

(còn tiếp)